Banner Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy sub-site-1

MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP; TIẾP TỤC HOÀN THIỆN, THỰC HIỆN NGHIÊM VIỆC KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong các giải pháp quan trọng trong tổng thể các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Vấn đề kiểm soát tài sản đã được đề cập đến từ Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 với quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 phát triển chế định kê khai tài sản thành chế định minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, qua thực tiễn, các quy định này chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng...

 

Xuất phát từ thực tiễn, năm 2018 Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019) thì chế định kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập được phát triển thêm một bước thành quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Riêng nội dung về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (viết tắt là Luật PCTN năm 2018) quy định trong một mục (Mục 6, Chương II, gồm 14 điều (từ điều 30 đến điều 54). Luật PCTN năm 2018 đã sử dụng cụm từ “kiểm soát tài sản, thu nhập” thay cho cụm từ “kê khai tài sản” hay “minh bạch tài sản, thu nhập” trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và các văn bản trước đây. Đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; tài sản phải kê khai, phương thức, thời điểm kê khai, công khai; việc xác minh tài sản, thu nhập của các cơ quan kiểm soát; việc thiết lập hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản đã tạo nên cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được quy định trong 04 tiểu mục của mục 6, chương II Luật PCTN năm 2018.

Ngày 30/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi tắt là Nghị định 130), Nghị định số 130 thay thế cho Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 130 quy định chi tiết các Điều 31, 36, 39, 41, 54, 94 của Luật PCTN năm 2018.

Nghị định 130 quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc kiểm soát tài sản, thu nhập; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập; việc kê khai, công khai, xác minh tài sản, thu nhập, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập. Kèm theo Nghị định 130 là 03 phụ lục: Phụ lục I. Mẫu bản kê khai và hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, kê khai hằng năm, kê khai phục vụ công tác cán b; Phụ lục II:  Mẫu bản kê khai và hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập bổ sung và Phụ lục III: Danh mục người phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm (theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 130).

Có thể nói, Nghị định 130 là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN năm 2018.

Luật PCTN năm 2018 quy định 08 chủ thể là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đối với khối Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội các cấp được quy định tại lhoản 8, Điều 30 như sau: “ Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó ”. Ngày 08/02/2022, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 56-QĐ/TW về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Tại khoản 6, Điều 3 Quyết định số 56-QĐ/TW quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập khối Đảng cấp tỉnh là: “Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý và những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công tác trong các cơ quan đảng của tỉnh, trừ những trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều này”; khoản 8, Điều 3 quy định: “ Ủy ban kiểm tra quận ủy, huyện ủy, thành ủy, thị ủy kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, thành ủy, thị ủy quản lý và những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công tác trong các cơ quan đảng của huyện, xã, trừ những trường hợp quy định tại Khoản 6, Điều này”.

Để triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ từ UBKT cấp huyện trở lên, UBKT Trung ương ban hành Hướng dẫn thực hiện mội số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 03/11/2022 ). Tại tiểu mục 2.2, 2.3, mục 2: “2.2. Kiểm soát tài sản, thu nhập: Là hoạt động do Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng đối với tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai.

2.3. Xác minh tài sản, thu nhập: Là việc Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai”.

Theo các văn bản của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, chức năng, nhiệm của UBKT các cấp đối với công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn như sau: (1) Kiểm tra: UBKT các cấp có quyền kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tổ chức đảng, đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện kê khai tài sản, thu nhập (như kiểm tra dấu hiệu vi phạm khác). (2) Giám sát: UBKT các cấp có quyền giám sát chuyên đề tổ chức đảng, đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện kê khai tài sản, thu nhập (như giám sát chuyên đề khác). (3) Xác minh tài sản, thu nhập: chúng ta tiếp tục đề nghị Trung ương có quy trình riêng về xác minh tài sản, thu nhập; tuy nhiên là cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy ngoài việc tuân theo các quy định về pháp luật thì các quy trình thực hiện của UBKT các phải vẫn phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám sát của Đảng (nguyên tắc cơ bản là dựa vào tổ chức đảng, đảng viên).

Kết quả, đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập: bám sát Luật PCTN năm 2018; Nghị định 130; Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 03/11/2022 của UBKT Trung ương, UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ tinh như: Quy định số 873-QĐ/TU, ngày 28/7/2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 10/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; Công văn số 1132-CV/TU, ngày 26/4/2022 về việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và các văn bản chỉ đạo có liên quan; Công văn số 2407-CV/TU ngày 22/12/2023 về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2024; Công văn số 3008-CV/TU ngày 11/12/2024 về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2025…

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, UBKT cấp huyện đã ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập và Chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2023, 2024; ban hành các văn bản yêu cầu cán bộ thuộc diện BTV cấp ủy cùng cấp quản lý gửi bản kê khai tài sản hàng năm về UBKT các cấp để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập, trong đó yêu cầu, hướng dẫn các tổ chức, cơ quan, đơn vị nộp bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

Kết quả giám sát, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2023, 2024: số cơ quan, đơn vị được xác minh tài sản, thu nhập 155; số người đã tiến hành xác minh thực hiện đồng thời với các cuộc giám sát theo chuyên đề 503. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy giám sát tại 21 đơn vị, 59 cán bộ (năm 2023: 32, năm 2024: 27) trong tổng số 320 cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý và công chức, viên chức công tác trong các cơ quan Đảng cấp tỉnh; UBKT cấp huyện giám sát 434 cán bộ diện BTV cấp ủy cấp huyện quản lý (năm 2023: 299, năm 2024: 135). Đến nay, đã ban hành kết luận 100% số đảng viên được giám sát; các khuyết điểm, vi phạm chủ yếu do sai sót như kê khai chưa đúng mẫu, thiếu chính xác về số liệu, thông tin, giá trị tài sản, nhất là tổng thu nhập giữa hai kỳ kê khai (phần thu nhập chung, nhầm lẫn cột số lượng, giá trị tài sản trong mục biến động, giải trình…), giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm chưa đảm bảo theo hướng dẫn tại các Phụ lục kèm theo Nghị định 130; có đơn vị chưa triển khai việc kê khai lần đầu đối với cán bộ mới được tuyển dụng, việc công khai bản kê khai chưa thành nền nếp... Qua giám sát kết luận, không có trường hợp không trung thực trong kê khai hoặc không trung thực trong việc giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; không có trường hợp vi phạm phải xử lý kỷ luật về kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy và UBKT cấp huyện thực hiện phối hợp thẩm định trong công tác cán bộ, thẩm định việc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý khi được quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kết luận tiêu chuẩn chính trị, giới thiệu tham gia cấp ủy, ứng cử các chức danh theo quy định.

Nhằm thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 130; Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022; Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 10/7/2023; Công văn số 2753-CV/TU ngày 03/7/2024 và Thông báo kết luận số 38-TB/BCĐ ngày 31/10/2024 của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh. Ngày 20/11/2024, UBKT Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTU về một số nội dung kê khai, xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền kiểm soát của UBKT Tỉnh ủy, UBKT huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Với quan điểm thống nhất trong nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu trong tổ chức việc kê khai, công khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập của mình, của vợ (chồng), con chưa thành niên trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời chỉ ra trách nhiệm, nhiệm vụ của UBKT cấp tỉnh, cấp huyện (Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập), hàng năm xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền kiểm soát. Báo cáo thường trực cấp ủy cấp mình trước khi ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Trên cơ sở danh sách các cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp mình quản lý và danh sách cán bộ, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm do các cơ quan, đơn vị lập, báo cáo UBKT cấp tỉnh, cấp huyện. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải tiến hành rà soát, xác định những cơ quan, đơn vị đủ điều kiện để đưa vào danh sách tiến hành xác minh, số lượng lựa chọn (tối thiếu 20% số cơ quan, đơn vị trong tổng số các cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy quản lý); việc lựa chọn phải căn cứ tình hình tham nhũng và công tác PCTN ở các ngành, lĩnh vực và địa phương; căn cứ các yêu cầu, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về công tác PCTN, khả năng, điều kiện thực hiện mục tiêu xác minh theo quy định. Đây là văn bản đầu tiên, UBKT Tỉnh ủy hướng dẫn cụ thể, chi tiết về tiêu chí, hình thức lựa chọn người được xác minh, trình tự tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với cán bộ có nghĩa vụ kê khai hàng năm thuộc diện UBKT cấp tỉnh, cấp huyện kiểm soát, đồng thời nêu rõ xác minh trong giám sát chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo phải thực hiện theo quy định, quy trình công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai; không kê khai, công khai, không nộp bản kê khai, kê khai không trung thực; giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực....nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trên tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra giải pháp: “ hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong các giải pháp quan trọng trong tổng thể các biện pháp PCTN, lãng phí, tiêu cực đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, đang có sức lan tỏa rất mạnh mẽ, ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu với phương châm “ không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tới đây công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, được gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, thực hiện miễn nhiệm, từ chức…Các quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm soát tài sản, thu nhập tiếp tục được hoàn thiện; là một trong các cơ quan tham mưu của cấp ủy được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập, chúng ta từng bước giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện lý luận; tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập tốt hơn nữa trong thời gian tới để công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực ngày càng đạt hiệu quả cao hơn; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

                                                                                                                                                                         Lương Thị Kim Lý

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Tin cùng chuyên mục

 TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ, TIÊU CỰC

TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ, TIÊU CỰC

 22/01/2025

 BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TIẾP ĐẢNG VIÊN VÀ CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH CỦA ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY  HƯNG YÊN

BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TIẾP ĐẢNG VIÊN VÀ CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH CỦA ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY HƯNG YÊN

 22/01/2025

 Bản tin Kiểm tra số 28 Quý III năm 2024

Bản tin Kiểm tra số 28 Quý III năm 2024

 20/11/2024