Banner Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy sub-site-1

TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ, TIÊU CỰC

Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, một trong những nội dung của công tác xây dựng Đảng, một trong những phương thức thiết thực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTN, LP, TC). Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là toàn bộ hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền và Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và quy định của các cơ quan có thẩm quyền của Đảng. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, đồng thời là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1).

 

Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng xác định: kiểm tra, giám sát nhằm “phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”(2).

Đối với việc PCTN, LP, TC trong giai đoạn hiện nay, thì công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có những vai trò quan trọng, như:

Là công cụ quan trọng để kiểm soát việc thực thi quyền lực, qua đó phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần giúp các tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, thực hiện tốt Cương lĩnh chính trị, đường lối, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi những hành động lợi dụng quyền lực được giao để tham nhũng và các tiêu cực khác.

Kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và ý thức, quyết tâm PCTN, LP, TC. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt, thường xuyên, nền nếp sẽ giúp nêu cao tính tự giác, chủ động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; khiến họ sử dụng quyền lực được giao một cách đúng đắn, không dám lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một trong những phương thức phát hiện các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Thông qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy và UBKT của cấp ủy có thể phát hiện kịp thời, “từ sớm, từ xa” các dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý nghiêm sai phạm. Thực tế cho thấy, qua công tác kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết đơn, thư tố cáo đối với các tổ chức đảng, đảng viên, đã phát hiệu được nhiều vụ việc lợi dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng, chiếm dụng, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể.

Trên tinh thần “kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”, việc kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án và sự việc lớn đã được UBKT Trung ương và UBKT các cấp tiến hành. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp đã tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên đề về hoạt động lãnh đạo và xây dựng nội bộ Đảng, như: kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án; giám sát việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy v.v..

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát giúp phát hiện các sai sót, kẽ hở trong các quy định, cơ chế, chính sách, pháp luật để đề nghị bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm bảo đảm “không muốn, không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”

Cùng với việc phát hiện, xử lý kịp thời các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác kiểm tra, giám sát còn là cách thức để phát hiện ra những kẽ hở của chính sách, pháp luật, từ đó ngăn ngừa tận gốc mầm mống phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật, thu hẹp, khắc phục những “kẽ hở”, giúp ngăn ngừa, giảm thiểu những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với PCTN, LP, TC

Nhờ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nhận thức của toàn Đảng và xã hội về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, LP, TC được nâng cao. Với sự tham gia chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông và người dân trong nỗ lực PCTN, LP, TC, mà “vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn”(3).

Sự đồng thuận của toàn xã hội đã góp phần tạo điều kiện để các tổ chức đảng, UBKT các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, góp phần vào công tác PCTN, LP, TC, như lời khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã trở thành phong trào, xu thế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận”(4).

Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy và UBKT các cấp đã nỗ lực tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình kiểm tra giám sát của cấp ủy, UBKT các cấp, qua đó ngày một nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát nói chung và công tác PCTN, LP, TC nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kết quả năm 2024, cấp ủy, UBKT các cấp đã tập trung kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các mặt công tác, nhiệm vụ chuyên môn, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực:

* Kết quả của cấp ủy các cấp:

- Kiểm tra chấp hành đối với 3.060 đảng viên và 1.104 tổ chức đảng. Trong đó: BTV Tỉnh ủy thực hiện 02 cuộc kiểm tra đối với 12 tổ chức đảng và 21 đảng viên, BTV huyện ủy và tương đương kiểm tra 272 đảng viên và 209 tổ chức đảng; đảng ủy cơ sở kiểm tra 883 tổ chức đảng; đảng ủy cơ sở và chi bộ kiểm tra 2.767 đảng viên. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về hạn chế, khuyết điểm. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thực hiện 01 cuộc kiểm tra đối với 11 tổ chức, đơn vị và 15 đảng viên.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (DHVP) đối với 109 đảng viên và 15 tổ chức đảng, trong đó: cấp ủy cấp huyện kiểm tra 03 đảng viên (03 cấp ủy viên) và 01 tổ chức đảng, cấp ủy cơ sở và chi bộ kiểm tra 106 đảng viên (43 cấp ủy viên) và 14 tổ chức đảng. Qua kiểm tra kết luận 109 đảng viên và 15 tổ chức đảng có vi phạm; phải THKL 93 đảng viên và 13 tổ chức đảng; đã THKL 56 đảng viên và 01 tổ chức đảng.

- Giám sát chuyên đề 1.889 đảng viên, số cấp ủy viên các cấp được giám sát là 1.204 và 849 tổ chức đảng. Qua giám sát đã kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về hạn chế, khuyết điểm.

- Thi hành kỷ luật (THKL) 05 tổ chức đảng và 360 đảng viên, số cấp ủy viên các cấp bị THKL là 61 (01 HUV, 33 ĐUV; 27 CUV), trong số các đảng viên bị xử lý kỷ luật có 19 đảng viên bị xử lý pháp luật (bị phạt tù, kể cả án treo); 03 đảng viên bị xử lý hành chính. Ngoài ra, có 03 đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy và 71 đảng viên đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, cho rút.

- Đảng ủy xã giải quyết tố cáo đối với 02 đảng viên; nội dung liên quan đến đất đai và trách nhiệm trong việc chấp hành chủ trương đường lối của Đảng; kết quả: tố đúng và đúng một phần (đúng có vi phạm, phải xử lý kỷ luật).

- Về kiểm soát tài sản, thu nhập: Cấp ủy, UBKT các cấp đã quan tâm quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 03/11/2022 của UBKT Trung ương về thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thực hiện 01 cuộc kiểm tra đối với 11 tổ chức, đơn vị và 15 đảng viên. Qua kiểm tra đã ban hành Thông báo kết luận; đồng thời yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên tăng cường thực hiện các nhiệm vụ kê khai tài sản, thu nhập đảm bảo đúng các quy định. UBKT Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTU ngày 20/11/2024 về thực hiện một số nội dung kê khai, xác minh tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền kiểm soát của UBKT Tỉnh ủy và UBKT cấp huyện.

* Kết quả của UBKT các cấp:

- Thực hiện nhiệm vụ giám sát

Giám sát thường xuyên và nắm tình hình địa bàn: UBKT Tỉnh ủy[1], UBKT các cấp chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên, ban hành thông báo phân công thành viên UBKT và cán bộ kiểm tra theo dõi địa bàn, đơn vị. Chỉ đạo tập trung giám sát cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, có nguy cơ dễ phát sinh sai phạm, có vấn đề phức tạp nảy sinh, gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên quan tâm; kịp thời phát hiện, đề xuất kiểm tra khi có DHVP.

UBKT các cấp giám sát 823 đảng viên, số cấp ủy viên các cấp được giám sát là 688 (04 TUV; 36 HUV; 233 ĐUV 92, CUV 415) và 459 tổ chức đảng, trong đó: UBKT Tỉnh ủy giám sát 04 tổ chức đảng và 34 đảng viên; UBKT huyện uỷ và tương đương giám sát 65 tổ chức đảng và 223 đảng viên; UBKT cơ sở giám sát 91 tổ chức đảng và 287 đảng viên. Qua giám sát đã kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về hạn chế, khuyết điểm.

- UBKT các cấp kiểm tra 67 tổ chức đảng và 254 đảng viên khi có DHVP. Qua kiểm tra kết luận 51 tổ chức đảng và 219 đảng viên có vi phạm; phải THKL 16 tổ chức đảng và 129 đảng viên, đã THKL 06 tổ chức đảng và 92 đảng viên.

- UBKT các cấp đã kiểm tra 669 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, trong đó: UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 08 tổ chức đảng; UBKT huyện ủy và tương đương kiểm tra 104 tổ chức đảng; UBKT đảng ủy cơ sở kiểm tra 557 chi bộ. UBKT các cấp đã kiểm tra 669 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ THKL trong Đảng, trong đó: UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 08 tổ chức đảng; UBKT huyện ủy và tương đương kiểm tra 101 tổ chức đảng; UBKT đảng ủy cơ sở kiểm tra 326 chi bộ.

- UBKT các cấp kiểm tra 47 tổ chức đảng về thu, chi ngân sách Đảng. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 04 tổ chức đảng; UBKT cấp huyện và tương đương kiểm tra 43 tổ chức đảng...

- Về THKL: UBKT cấp huyện THKL 02 tổ chức đảng bằng hình thức Cảnh cáo. UBKT các cấp THKL 140 đảng viên, số cấp ủy viên các cấp bị THKL là 43, trong đó: UBKT Tỉnh ủy THKL 08; UBKT Huyện ủy và tương đương THKL 91, UBKT đảng ủy cơ sở THKL 41. Hình thức kỷ luật: Khiển trách 43; Cảnh cáo 38; Khai trừ 59. Trong số các đảng viên bị xử lý kỷ luật có 51 đảng viên bị xử lý pháp luật (bị phạt tù). 21 đảng viên đình chỉ sinh hoạt đảng.

Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy xem xét, THKL đối với 04 tổ chức đảng và 23 đảng viên; qua kiểm tra xem xét, kết luận 04 tổ chức đảng và 15 vi phạm đến mức kỷ luật. Tuy nhiên áp dụng Kết luận số 43-KL/TW ngày 20/10/2022 và Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 08/11/2022 và thời hiệu kỷ luật nên UBKT Tỉnh ủy không kỷ luật đối với 04 tổ chức đảng và 13 đảng viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát về PCTN, LP, TC trong thời gian qua vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, LP, TC có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ và quyền hạn, vẫn còn tình trạng có nơi có lúc, việc kê khai được thực hiện chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời, chưa công khai kết quả kê khai, kê khai chỉ dựa vào ý thức tự giác; trong khi các cơ quan có thẩm quyền chưa có cơ chế kiểm soát được nguồn hình thành tài sản cá nhân trong xã hội; việc kiểm tra, xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, dẫn đến việc xác định và thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản có được từ tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua kiểm tra phát hiện chuyển cho cơ quan điều tra còn ít. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, LP, TC chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao so với yêu cầu, nhất là trong việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch, kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Trong thời gian tới, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ còn diễn biến phức tạp. Đảng ta luôn coi đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, PCTN, LP, TC là một hoạt động cấp thiết, quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, nhất là công tác phòng, chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển”,“Chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân".

Để đáp ứng yêu cầu và thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh PCTN, LP, TC, cần tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thông qua việc thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong đó có nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong PCTN, LP, TC

Nhằm tăng cường hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát, cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục. Đặc biệt, những người đảm nhiệm vị trí, vai trò quan trọng cần nhận thức sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo, phải gương mẫu, đi tiên phong trong công tác kiểm tra, giám sát; nêu cao ý thức tự giác và thống nhất ý chí, hành động trong công tác này. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải công khai các thông tin cần thiết để mọi người được biết và tham gia vào quá trình giám sát. Điều này không chỉ mang lại sự minh bạch cho quá trình kiểm tra, giám sát, mà còn góp phần xây dựng lòng tin của nhân dân.

Trách nhiệm đối với công tác kiểm tra và giám sát trước hết thuộc về cấp ủy và người đứng đầu tổ chức đảng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng.

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, các phương tiện thông tin đại chúng cần tích cực tham gia bằng việc lan tỏa những nhân tố điển hình và kinh nghiệm hay trong công tác kiểm tra, giám sát; mở rộng các chuyên trang, chuyên mục liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Việc công khai kết quả kiểm tra, xử lý các vụ việc sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục, răn đe và cảnh tỉnh chung. Điều này cũng góp phần ngăn chặn sự lợi dụng và xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ của các thế lực thù địch. Hơn nữa, việc công khai này còn tạo ra sự đồng thuận và hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh PCTN, LP, TC.

Hai là, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát

Đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trước hết là công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ, trên cơ sở nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, tính tự giác của đảng viên. Tập trung kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, các cán bộ chủ chốt và người đứng đầu trong những lĩnh vực, địa bàn và vị trí công tác có khả năng xảy ra các hành vi tiêu cực để theo sát, nhắc nhở, cảnh tỉnh, ngăn chặn kịp thời vi phạm có thể xảy ra.

Chú trọng thường xuyên tự kiểm tra, đặc biệt là đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy quản lý, để phát huy những điểm mạnh, đồng thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để khắc phục và điều chỉnh một cách chủ động. Tăng cường giám sát nhằm giúp tổ chức đảng và đảng viên kịp thời phát hiện, điều chỉnh, khắc phục và sửa chữa những thiếu sót, hạn chế, không để các thiếu sót kéo dài và trở thành những vi phạm, không để những vi phạm nhỏ phát triển thành những vi phạm lớn, không để vi phạm của cá nhân trở thành vi phạm của tập thể.

Tập trung giám sát hoạt động tham mưu và ban hành quyết định; những nơi có dấu hiệu mất đoàn kết và xuất hiện các vấn đề phức tạp mới nảy sinh, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Thông qua giám sát để nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn việc vi phạm từ sớm, từ xa.

Cần chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, “điểm nóng”, gây bức xúc trong xã hội. Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, song phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tham nhũng, nên công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn với phòng, chống lãng phí, tiêu cực; gắn kiểm tra, giám sát trong PCTN, LP, TC với kiểm tra, giám sát ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Bên cạnh kỹ năng công tác thành thạo, tư duy logic, tác phong làm việc khoa học, cán bộ kiểm tra cần có phẩm chất đạo đức trong sáng, có quyết tâm vững vàng, sức đề kháng cao, không lạm dụng nhiệm vụ, chức trách được phân công nhằm vụ lợi; nhận thức đúng và chấp hành nghiêm những chủ trương, trình tự, quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra phải được thường xuyên quan tâm, trong đó có đào tạo mới, bồi dưỡng, tập huấn. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra cần được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, phù hợp với chức danh và ngạch bậc của từng cá nhân. Đồng thời, cần hết sức coi trọng xây dựng văn hóa kiểm tra, xây dựng môi trường lành mạnh, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, lắng nghe; quan hệ giữa chủ thể kiểm tra và đối tượng kiểm tra theo đúng nguyên tắc đảng.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa UBKT với các cấp ủy, tổ chức đảng; giữa cơ quan UBKT với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán và các cơ quan báo chí, truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân

Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan. UBKT các cấp tham mưu cho cấp ủy cùng cấp sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy chế phối hợp giữa UBKT với cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan. UBKT các cấp cần  phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để giám sát, kiểm soát thu nhập của cán bộ, đặc biệt là cán bộ diện cấp ủy quản lý.  

Cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa giám sát của Đảng với giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nhằm tránh sự chồng lấn, trùng lặp trong quá trình triển khai hoạt động giám sát của mỗi tổ chức. Đặc biệt, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.636.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144-145.

(3), (4) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.18, 91.

                                                                                                                                                                              Vũ Xuân Học

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

 

[1] Thông báo số 435-TB/UBKTTU ngày 01/8/2024; số 460-TB/UBKTTU ngày 29/8/2024.

Tin cùng chuyên mục

 MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP; TIẾP TỤC HOÀN THIỆN, THỰC HIỆN NGHIÊM VIỆC KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN

MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP; TIẾP TỤC HOÀN THIỆN, THỰC HIỆN NGHIÊM VIỆC KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN

 22/01/2025

 BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TIẾP ĐẢNG VIÊN VÀ CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH CỦA ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY  HƯNG YÊN

BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TIẾP ĐẢNG VIÊN VÀ CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH CỦA ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY HƯNG YÊN

 22/01/2025

 Bản tin Kiểm tra số 28 Quý III năm 2024

Bản tin Kiểm tra số 28 Quý III năm 2024

 20/11/2024